Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

7 thói quen giúp con người sống lâu hơn 20 năm

MỹNghiên cứu mới xác định các thói quen như thường xuyên vận động, tránh stress, không hút thuốc... giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn bệnh mãn tính, kéo dài tuổi thọ.

Nghiên cứu do các chuyên gia tại Bộ Cựu chiến binh Mỹ, với sự tham gia của hơn 700.000 cựu chiến binh. Các chuyên gia phát hiện áp dụng tất cả 8 thói quen lành mạnh ở tuổi trung niên (sau 40 tuổi) giúp tuổi thọ trung bình của nam giới tăng thêm 24 năm, nữ giới tăng thêm 21 năm.

Theo các tác giả, nếu tập trung vào y học lối sống, tìm cách duy trì sức khỏe tối ưu và ngăn ngừa, điều trị, đẩy lùi bệnh mạn tính, con người có thể sống lâu và khỏe mạnh hơn.

Thường xuyên vận động

Từ lâu, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng của việc tập thể dục thường xuyên. Đặt mục tiêu tập luyện cường độ từ trung bình đến cao ít nhất 150 phút mỗi tuần trong hai hoặc ba ngày giúp rèn luyện sức bền cho người lớn tuổi, tăng mật độ xương và tính linh hoạt cơ thể.

Giáo sư Nathan Price, kỹ sư sinh học tại Viện Sinh học Hệ thống phi lợi nhuận ở Seattle, đồng tác giả cuốn The Age of Scientific Wellnes, nhận định việc suy giảm chức năng trở nên nghiêm trọng hơn khi con người già đi. Ngã do mất thăng bằng hoặc thiếu kiểm soát thường là nguyên nhân gây ra hàng loạt vấn đề, cuối cùng dẫn đến tử vong ở người cao tuổi.

Theo ông, việc luyện tập suốt đời kết hợp rèn luyện khả năng kháng lực, tập thể dục cường độ trung bình đem lại lợi ích to lớn đối với chất lượng cuộc sống và thời gian sống.

Tập thể dục giúp tăng mật độ xương, giảm bệnh mạn tính và tăng tuổi thọ. Ảnh: Freepik

Tập thể dục giúp tăng mật độ xương, giảm bệnh mạn tính và tăng tuổi thọ. Ảnh: Freepik

Không hút thuốc

Người hút thuốc và người sống xung quanh họ có nguy cơ mắc ung thư phổi và bệnh tim mạch cao hơn. Đây là sát thủ hàng đầu, làm tăng gánh nặng kinh tế, xã hội ở nhiều nơi trên thế giới. Khói thuốc chứa hàng nghìn chất gây ung thư, các hoạt chất gây nghiện, gây độc tế bào, gây đột biến gene...

Tàn thuốc li ti, kể cả có đầu lọc hay không khi hít vào trong phổi sẽ kích thích hệ thống tế bào viêm, gây viêm mạn tính và phá hủy tế bào biểu mô bề mặt đường thở, phế nang, làm giảm lượng oxy vào máu gây khí phế thủng (khó thở). Viêm phế quản mạn tính cùng khí phế thủng gọi chung là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (CODP).

Hai chất nguy hiểm nhất trong khói thuốc là nicotine và carbon monoxide. Nicotine không dẫn đến ung thư nhưng khả năng gây nghiện cao. Các thành phần khác của thuốc lá gọi chung là hắc ín, chứa nhiều chất gây ung thư. Nicotine làm tăng huyết áp, nhịp tim, lưu lượng máu đến tim và thu hẹp động mạch (mạch máu dẫn máu từ tim), nguy cơ xơ cứng thành động mạch, từ đó dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Kiểm soát căng thẳng

Nghiên cứu ước tính có tới 90% loại bệnh tật sinh ra từ tình trạng căng thẳng. Tác hại của tình trạng stress mạn tính bao gồm mất ngủ, rụng tóc, đau đầu, viêm nhiễm nguy hiểm từ bên trong.

Ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn lành mạnh luôn đi đôi với lối sống lành mạnh. Các nghiên cứu cho thấy ăn nhiều thực vật thay vì các loại thực phẩm chế biến sẵn làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng.

Khoa học đã chứng minh 7 lợi ích của chế độ ăn lành mạnh gồm tăng cường sức khỏe tim mạch, hệ thống miễn dịch, tăng năng lượng, bảo vệ đường ruột, hỗ trợ giảm cân, tránh ung thư, ngăn ngừa và điều trị tiểu đường.

Theo tiến sĩ Price, điều quan trọng là duy trì lượng calo thích hợp để có cân năng hợp lý, tập trung vào các thực phẩm nguyên chất, nạp nhiều protein để tăng cơ bắp và tránh ăn các thực phẩm chế biến sẵn.

Thực phẩm lành mạnh giúp bảo vệ đường ruột, hỗ trợ giảm cân, ngăn tiểu đường. Ảnh: Freepik

Thực phẩm lành mạnh giúp bảo vệ đường ruột, hỗ trợ giảm cân, ngăn tiểu đường. Ảnh: Freepik

Kiêng rượu bia

Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hong Kong định nghĩa uống 5 lon bia, 5 ly rượu vang hoặc 5 cốc rượu mạnh là "quá nhiều rượu" trong một lần uống. Tuy nhiên, sử dụng dưới mức này cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, rượu có thể dẫn đến cao huyết áp, bệnh tim, đột quỵ, bệnh gan và các vấn đề về tiêu hóa; ung thư vú, miệng, họng, thực quản, thanh quản, gan, đại tràng và trực tràng; suy yếu hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh; các vấn đề về học tập và trí nhớ.

Ngủ đủ giấc

Các chuyên gia cũng khuyến nghị người trưởng thành ngủ khoảng 7 đến 8 tiếng mỗi đêm, thanh thiếu niên ngủ 8 đến 10 tiếng mỗi đêm. Thiếu ngủ có thể làm đảo lộn nhịp sinh học, khiến thói quen ăn uống trở nên kém lành mạnh, dẫn đến chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn, gây ra hàng loạt loại bệnh.

Tiến sĩ Price khuyến nghị giữ phòng ngủ ở trạng thái "sạch" nhất có thể, tức là không chứa các thiết bị kỹ thuật số như TV, máy tính, điện thoại (nếu có thể).

Duy trì các mối quan hệ xã hội tích cực

Kết nối xã hội mạnh mẽ đóng vai trò như "tấm đệm chống căng thẳng", làm giảm thiểu tác hại của chứng lo âu và trầm cảm. Tại một số nước châu Á, ngày càng nhiều người, đặc biệt là người già, đang sống cuộc đời biệt lập. Khi con người già đi, việc duy trì kết nối giữ cho bộ não nhạy bén. Theo nghiên cứu gần đây của Học viện Thần Kinh Mỹ, người bị cô lập có tỷ lệ bị co rút não cao hơn đáng kể.

Thục Linh (Theo SCMP)

Adblock test (Why?)



Theo: vnexpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét